Cây đậu đỏ ở Việt Nam được trồng rải rác và chưa có một quy hoạch. Mới đây, Kazuki food và Nhật Bản đã lên kế hoạch trồng cây đậu đỏ tại Gia Lai theo hướng hữu cơ để tìm cơ hội xuất ngoại. Theo đó đối tác Nhật Bản đang quan tâm đầu tư khoảng 1.000 ha trồng cây đậu đỏ tại Gia Lai. Hàng năm Nhật Bản tiêu thụ khoảng 110 ngàn tấn, nhưng nguồn cung tiêu dùng nội địa chỉ đáp ứng được 42 ngàn tấn, thiếu khoảng hơn 70 ngàn tấn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đoàn khảo sát vùng trồng tại Gia lai
Vào ngày 17 – 18/02 mới đây, Đoàn doanh nghiệp đã cùng Kazuki food- Nhà sản xuất nước mắm truyền thống thương hiệu Chắt Kazuki đi khảo sát hai địa điểm ở xã Tân Bình (huyện Đak Đoa), xã H Bông (huyện Chư Sê). Ngay sau khi khảo sát thực tế, đoàn liệc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai về việc trồng cây đậu đỏ theo hướng nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Trần Trung Tuấn nhận xét: “Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu trong nước Nhật Bản phải nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Canada, Mỹ, Úc. Trung Quốc nổi lên như một nhà cung cấp chính cho thị trường Nhật Bản với khoảng 50 ngàn tấn/năm, tiếp theo là Canada 16 ngàn tấn/năm (số liệu năm 2022).
Trong khi đó, Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để canh tác cây đậu đỏ. Nếu dự án này được triển khai thì Công ty sẽ đầu tư giống, kỹ thuật và phương pháp phòng bệnh hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Thị trường hạt đậu đỏ thướng đến là Nhật Bản và EU”.
Dự án có tính hiệu quả kinh tế cao
Ông Trần Trung Tuấn, đại diện đoàn khảo sát đánh giá, nếu vùng trồng được canh tác đúng tiêu chuẩn kỹ thuật Organic từ phía đối tác Nhật Bản thì năng suất bình quân đạt từ 1,2 đến 1,5 tấn/ha/vụ. Thời tiết thuận lợi, canh tác đúng sản lượng có thể cao hơn. Thời gian thu hoạch từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch là 90 ngày hoặc 100 ngày. Mỗi năm có thể trồng từ 1 đến 2 vụ. Giá thu mua từ 40 ngàn đồng/kg cao hơn giá thị trường từ 10.000-12.000/kg.
Trả lời phóng viên Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho hay: “Họ mới khảo sát thôi, nhưng cũng đem lại hy vọng cho địa phương. Giống đậu này ở Gia Lai đã có mô hình trồng thử nghiệm trước đó nhưng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao là hướng mới. Quan điểm của địa phương là ủng hộ, nhưng phải thực chất, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân”.
Đại diện nanoKentech cũng cho hay, đơn vị đã trồng thử nghiệm tại các tỉnh Sơn La, Hoà Bình và sẽ triển khai trồng thử nghiệm theo quy chuẩn hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên. Sau khi trồng thử nghiệm, kết quả sẽ là báo cáo tốt nhất để doanh nghiệp hai nước tiến tới hợp tác hình thành vùng nguyên liệu để phục vụ thị trường xuất khẩu Nhật Bản và EU.